Bạn có biết, chúng ta chỉ có thể tập trung làm việc khoảng 40 giây trước màn hình máy tính trước khi bị phân tán tư tưởng? Và phải mất 22 phút thì não mới có thể tập trung trở lại? Trong buổi Book Sharing ngày 25/12 tại văn phòng 15 Tú Xương, chị Hồng Nhung đến từ Green Edu đã chia sẻ 4 bước để tập trung cao độ từ quyển sách Siêu tập trung, một tác phẩm của chuyên gia nghiên cứu về năng suất làm việc Chris Bailey.
Tại sao chúng ta cần phải tập trung? Không chỉ đơn thuần là tăng hiệu quả công việc hay giúp giảm stress, tập trung là tiền đề của một cuộc sống hạnh phúc. Khi chú ý vào từng miếng ăn, chúng ta ăn ít hơn, nhai kỹ hơn và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Khi dành toàn bộ sự chú tâm của mình vào một cuộc trò chuyện, chúng ta nhận ra những điều mới mẻ về chính mình và người khác.
Mục Lục Bài Viết
Tìm hiểu 4 bước để tập trung cao độ
Trong nửa đầu của quyển sách Siêu tập trung, Chris Bailey chỉ rõ rằng hầu hết mọi người đều đang phung phí thời gian của mình vào những đầu việc hấp dẫn nhưng vô bổ như lướt web, nói chuyện,… và tránh né các nhiệm vụ có ích nhưng không hấp dẫn bằng như họp nhóm, tính toán ngân sách,…
Phân loại công việc theo độ hấp dẫn và có lợi ích. Nguồn: Phần chia sẻ sách Siêu tập trung (Chris Bailey) tại Dế Mèn Hub.
Vậy, làm thế nào để đạt được trạng thái siêu tập trung? Chúng ta có thể áp dụng 4 bước sau đây:
1. Xác định công việc: Chọn một việc có lợi và có ý nghĩa nhất để chiếm lĩnh toàn bộ sự chú ý của mình.
2. Loại bỏ các yếu tố xao lãng: Từ điện thoại, giấy tờ không liên quan, đồ ăn vặt, cho tới các nguy cơ như cốc nước không có nắp, bạn cần loại bỏ tất cả.
3. Chọn một khung thời gian (khoảng 25 phút): Tập trung tối đa vào công việc phù hợp với khung thời gian đã chọn.
4. Nhận thức sự xao lãng và kéo sự tập trung trở lại công việc: Nhận thức và chế ngự các sự xao lãng.
Ứng phó với các nguồn gây xao nhãng
Với bước cuối cùng, “Nhận thức sự xao lãng và kéo sự tập trung trở lại công việc”, Hồng Nhung lựa chọn ba “kẻ cắp thời gian” và gợi ý các cách ứng phó như sau:
- Đối với điện thoại của mình, chúng ta có thể tắt thông báo hoặc xóa bớt các ứng dụng, bật chế độ máy bay, không sử dụng điện thoại quá nhiều lúc rảnh, và thậm chí mua thêm 1 điện thoại dành riêng cho các việc dễ gây “phân tâm” và cất nó đi khi cần tập trung.
- Đối với email, chúng ta cần giới hạn số lần, thời gian kiểm tra email, thiết lập những ngày “không email” nếu có thể, và nếu cần trả lời email, chỉ tập trung cao độ để trả lời những email quan trọng, và giới hạn phần trả lời dưới 5 câu. Nếu phải viết dài hơn 5 câu, hãy gọi điện thoại.
- Đối với các cuộc họp, chúng ta cần quyết đoán để không tham gia các cuộc họp không đưa ra vấn đề cụ thể, luôn cân nhắc khi tham gia các cuộc họp định kỳ, yêu cầu có danh sách người họp và nếu cần dự những cuộc họp quan trọng, hãy chú ý tập trung cao độ.
Hơn bao giờ hết, bộ não tiền sử của con người phải đối mặt với muôn vàn sự chèo kéo hấp dẫn từ môi trường xung quanh. Chính vì thời gian và khả năng tập trung của con người là có giới hạn, chúng ta cần thiết kế và bảo vệ không gian của chính mình, cả bên ngoài lẫn trong tâm trí.
Sau phần chia sẻ sách trên, các nhân sự tại 15 Tú Xương đã thực hành 2 bài tập sau:
1) Pomodoro 25 phút: Mỗi nhân sự sẽ chọn 1 đầu việc có thể hoàn thành trong 25 phút, và thực hành gác lại điện thoại, tắt các tab không cần thiết trên màn hình, tập trung hoàn toàn vào công việc. Sau 25 phút, đa số mọi người chia sẻ rằng hiệu quả làm việc và độ tập trung cao hơn so với mức thông thường, áp lực trên bản thân cũng cao hơn, và cảm thấy có động lực hơn khi tất cả mọi người chung quanh đều im lặng và tập trung làm việc.
2) Một giờ im lặng mỗi ngày: Tại văn phòng, mọi người sẽ thí điểm chọn một giờ (15h – 16h) hằng ngày làm giờ im lặng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự tập trung và nâng cao hiệu suất cá nhân.
Mong rằng phần chia sẻ trên đã mang lại một số thông tin hữu ích để bạn cải thiện sự tập trung của chính mình. Nếu bạn là một người tiếp thu kiến thức bằng cách nghe dễ hơn là cách đọc, hãy theo dõi phần nói chuyện của Chris Bailey tại TedTalk và Talks At Google. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về Siêu tập trung qua bài viết của Nhịp cầu đầu tư hoặc bản tóm tắt (tiếng Anh) của Thomas Frank. /.