Phát triển bền vững nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo chính là sự đóng góp cụ thể trong công cuộc phát triển xã hội. Đảm bảo sự công bằng cũng như nâng cao cuộc sống của người nông dân, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp và nhóm xã hội.
Mục Lục Bài Viết
Phát triển bền vững nông nghiệp là gì?
Phát triển bền vững nông nghiệp trước hết hiệu quả năng suất cây trồng, vật nuôi trên cùng một mảnh đất phải ổn định và có xu hướng ngày càng được nâng cao. Đồng thời, hiệu quả kinh tế phải được đẩy mạnh, nuôi sống được nhiều người cũng như mức thu nhập ngày càng được cải thiện mà không làm ảnh hưởng hay hủy hoại môi trường của tự nhiên và của cộng đồng.
Để có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững, chúng ta cần phải đạt được một số điểm sau đây:
- Tiến tới được sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên đồng thời kiểm soát được chúng.
- Bảo vệ và khôi phục độ phì của đất cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Tối ưu hóa công việc quản lý và sử dụng những nguồn tài nguyên của nông trại.
- Giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái sinh được và nguồn đầu vào của sản xuất khi phải mua từ bên ngoài.
- Đảm bảo tính đầy đủ và nguồn thu nhập đáng tin cậy của nông trại.
- Khuyến khích được sự phát triển của gia đình và cộng đồng nông dân.
- Giảm thiểu được những tác động xấu đến sức khoẻ con người, đảm bảo sự an toàn, chất lượng nước và môi trường.
3 yếu tố để xây dựng và phát triển bền vững nông nghiệp
Để giải quyết nguồn cơ của vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cần phải tổ chức lại sản xuất và hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Nếu muốn vậy lại cần phải có 3 yếu tố:
- Một là, phải tổ chức lại được sản xuất. Thực trạng hiện nay đang là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì không cách nào khác để phát triển là kinh tế tập thể phải được liên kết các đầu mối, thông qua hợp tác xã. Tất cả thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách… phải phổ biến trực tiếp hơn. Đây còn là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cũng là trách nhiệm của địa phương.
- Hai là, phải tổ chức lại ngành hàng, bởi mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương. Phải đưa hàng hóa vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành những liên minh để cùng đề ra những khuyến nghị cũng như định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ.
- Và ba là, giá cả vật tư đầu vào và kéo giá đầu ra phải được điều chỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều phiên làm việc để có thể cân bằng được nguồn nguyên vật liệu chính cho nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường thế giới cũng có độ trễ nhất định và không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Trong thời gian gần đây, rất nhiều người nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… thay vì dùng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì đã cải tiến dùng phân hữu cơ. Đây được coi là giải pháp trước mắt nhưng cũng là định hướng lâu dài để chúng ta bớt lệ thuộc và chuyển từ nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hóa học sang nền nông nghiệp mới hữu cơ hóa và nền nông nghiệp sinh thái.
Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển bền vững nông nghiệp tại Việt Nam
Để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và quan trọng nhất là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân”; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21-2-2013, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 9-5-2014, của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; đồng thời triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ quy trình phát triển kinh tế tập thể.
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo định hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn được trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm. Hoạt động này gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đảm bảo theo cơ chế thị trường cùng các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Phải chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận.
Để thực hiện thành công được những chủ trương và định hướng quan trọng đó, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực hết mình của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành cùng với nông dân và các doanh nghiệp. Trước hết, phải tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cơ quan, bộ, ngành, bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế khác trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.