Đó là kiến nghị của bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, được tổ chức tại Hà Nội sáng 12/9.
Tham luận tại diễn đàn, bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh cho biết, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt là quỹ xã hội phi lợi nhuận, thành lập theo Quyết định của Bộ Nội vụ với sứ mệnh kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn – một trong các trụ đỡ kinh tế, lợi thế quốc gia của Việt Nam.
Hoạt động chính của Quỹ tập trung vào 3 mảng:
Thứ nhất là hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ, tài chính, và xúc tiến – phát triển thị trường cho các nhà khởi nghiệp nông nghiệp.
Thứ 2 là ươm tạo và đồng hành các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ 3 là kết nối nguồn lực kiến thức, kinh nghiệm, dẫn dắt từ các chuyên gia và doanh nhân thành công trong nước và quốc tế, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp – nông thôn.
Thời gian qua, Quỹ đã triển khai thành công nhiều dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững như Dự án “Tiếp sức nông dân”, “Nông dân thịnh vượng”, “Growth your food”, đặc biệt là Dự án “50 ngàn doanh nông trẻ” sắp triển khai tới đâysẽ kết hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ, tài chính, doanh nghiệp để vận động nguồn lực hỗ trợ cho mạng lưới các nông dân trẻ.
Theo bà Diệp, bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn tiến rất nhanh, quá trình hội nhập với nhiều hiệp định thế hệ mới mang lại cả cơ hội và thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.
Nhu cầu tiêu dùng thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số tác động sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và lối sống hàng ngày của mỗi người.
Thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn cầu và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trước cơ hội và thách thức mới, vai trò, vị trí của khu vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi. Những hạn chế về chất lượng, tính bền vững, sự sáng tạo và cách thức phát triển, cùng những yêu cầu mới đã và đang đòi hỏi nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cần có những bước chuyển mới mang tính đột phá.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030 tầm nhìn đến 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều khẳng định mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động trẻ nông thôn gắn với nhu cầu doanh nghiệp.
“Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ mạnh hơn rất nhiều, vừa tạo việc làm, thu nhập song cũng sẽ lấy đi tài nguyên của nông nghiệp, tiếp tục tạo chênh lệch giữa đô thị – nông thôn, miền núi – miền xuôi, đẩy mạnh di cư. Đây là thách thức rất lớn, kéo theo sự thay đổi rất mạnh mẽ toàn bộ xã hội nông thôn. Hàng triệu người dân nông thôn sẽ thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn. Dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp”, bà Diệp khẳng định.
Bà Diệp cho rằng: Hội nhập quốc tế diễn ra mạnh vừa mở ra thị trường, tạo cơ hội đầu tư song cũng tạo ra sự cạnh tranh ghê gớm. Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra động lực cho tăng trưởng, song nguy cơ tự động hóa sẽ đẩy lao động thủ công ra khỏi các hoạt động sản xuất là rất lớn.
Những điều này đe dọa trực tiếp tới thân phận và tương lai người nông dân trong khi khả năng tích lũy vốn, độ bao phủ phúc lợi xã hội, năng lực đào tạo nghề, thị trường lao động chính thức còn hạn chế.
Tất cả những điều đó sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nông thôn, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là nông dân. Hiện nay, 60% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn.Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, thống kê cho thấy số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn, trong đó, trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 34 tuổi.
Lực lượng trẻ ở nông thôn hiện nay thoát ly lao động nông nghiệp rất cao, đa phần nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao.