Bạn đã bao giờ nghe ai đó nói “Anh ấy không quan tâm đến các tín hiệu xã hội” chưa? Câu nói đó có nghĩa là gì? Ý nghĩa chỉ ra rằng một người nào đó không thể hiểu điều gì THỰC SỰ đang diễn ra trong môi trường xã hội hoặc công việc mà họ đảm nhiệm. Sự thiếu hiểu biết này có thể gây ra tác động xấu theo một số cách khác nhau. Ví dụ, thành viên tham gia các cuộc họp nhưng không đưa ra bất cứ ý kiến gì. Anh chỉ chăm chú làm tốt công việc của mình, từ chối thiết lập một mối quan hệ, sự hợp tác. Ngay cả trong môi trường bình thường, anh ấy vẫn sống khép kín và không kết nối với bất kỳ ai, ngoài một lời chào xã giao ngắn gọn hay những lúc cần trao đổi thông tin. Đây là ví dụ cho một người thiếu kỹ năng xã hội.
Thuật ngữ “kỹ năng xã hội” vô cùng rộng, nhưng cụm từ này cũng được sử dụng chính xác trong ngữ cảnh của trí tuệ cảm xúc. Khi nói đến trí tuệ cảm xúc, kỹ năng xã hội của bạn đề cập đến cách bạn xử lý và ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác một cách hiệu quả. Trí tuệ cảm xúc bắt đầu từ việc bạn hiểu được cảm xúc của mình và có thể quản lý chúng một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu đã đề ra từ trước. Khi bạn có thể hiểu và quản lý bản thân, bạn có thể bắt đầu học cách hiểu cảm xúc của người khác và cách ảnh hưởng đến họ.
Mục Lục Bài Viết
Cải thiện kỹ năng giao tiếp để làm việc tốt hơn
Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố then chốt để định hình trí tuệ cảm xúc tốt. Những người thể hiện trí tuệ cảm xúc cao có thể lắng nghe người khác tốt hơn. Bên cạnh đó họ sẽ dễ dàng thấu hiểu vấn đề mà người đối diện đang gặp phải và có thể truyền đạt những suy nghĩ, cũng như cảm xúc của chính họ một cách thích hợp. Những người giao tiếp giỏi lắng nghe người khác và đảm bảo rằng họ hiểu những gì đang được nói. Điều này cho phép họ tăng nhân thức và thực hiện các hành động phù hợp theo các tín hiệu cảm xúc để họ có thể phản ứng một cách thích hợp.
Nâng cấp kỹ năng quản lý xung đột của bản thân
Xung đột và bất đồng là một điều bình thường của cuộc sống và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nghệ thuật quản lý và giải quyết tranh chấp là một khía cạnh quan trọng của trí tuệ cảm xúc và rất quan trọng cho sự thành công của bạn cả về mặt cá nhân cũng như nghề nghiệp. Cải thiện kỹ năng quản lý xung đột sẽ bắt đầu bằng việc nhận thức được tầm quan trọng của giao tiếp. Sau đó bạn sẽ biết cách giao tiếp như thế nào là khéo léo nhất, để từ đó hiểu vấn đề đang xảy ra và xử lý tình huống.
Cải thiện kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo của bạn có mối liên hệ chặt chẽ với trí tuệ cảm xúc. Các nhà lãnh đạo phải điều chỉnh được cảm xúc của chính họ và của người khác nếu muốn giải quyết vấn đề đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo giỏi thường có trí tuệ cảm xúc cao vì họ có thể nói rõ tầm nhìn và cung cấp sự hỗ trợ, hướng dẫn cho đồng nghiệp trong khi họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Phát triển kỹ năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng
Thuyết phục là một nghệ thuật và thu phục người nghe theo những gì bạn nói không phải là điều dễ dàng. Những người có trí thông minh cảm xúc cao có khả năng thuyết phục người khác theo hướng hành động mà họ đề xuất. Họ có thể thấu hiểu cảm xúc của bất kỳ tình huống nhất định nào và điều chỉnh phản ứng, hành động của họ để thu hút người nghe.
Mở rộng và duy trì các mối quan hệ
Nếu bạn muốn cải thiện trí thông minh cảm xúc của mình, điều quan trọng bạn cần ghi nhớ đó là bạn phải tìm ra cách xây dựng và duy trì mối quan hệ với những người xung quanh. Cách đơn giản nhất là làm quen với nhiều người bạn mới. Trong môi trường công sở, đừng ngần ngại chủ động làm quen với các đối tác để thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 bên. Phát triển kỹ năng này sẽ giúp bạn cải thiện các mối quan hệ và tăng khả năng đón nhận những điều tốt/không tốt trong cuộc sống. Những người có thể kiểm soát và làm chủ cảm xúc không chỉ giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ, mà họ còn biết cách làm thế nào để duy trì các mối quan hệ mà họ đã có.