Sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn lo lắng không biết mua rau sạch thật sự ở đâu. Trong một lần trò chuyện cùng cô bạn thân, tôi may mắn được bạn giới thiệu về dự án Proci có bán rau hữu cơ và cảm thấy ngon, ngọt. Khi biết Green Edu tổ chức chương trình thăm vườn rau hữu cơ của bà con dân tộc Churu ở xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng – một trong những nơi cung cấp nông sản cho Proci, tôi đăng ký ngay để xem tận mắt nơi sản xuất rau ăn hàng ngày của gia đình mình.
Chỉ cách Đà Lạt khoảng 1 giờ đi xe nhưng khung cảnh Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Gõh Churu thật sự khác biệt những khu vườn phủ đầy bạt trắng ở Đà Lạt. Đến đây tôi ngắm những khu vườn nhỏ nhỏ ngập tràn sắc xanh phủ nắng vàng cao nguyên. Những luống cà rốt, xà lách, cải thảo nối tiếp nhau, xen kẽ là dàn đậu leo, dưa leo đã bắt đầu đậu những trái non, thấy vậy chị Phúc cùng đi đoàn tiện tay hái 1 trái ăn ngon lành. Tôi hơi ngạc nhiên vì lâu lắm chưa thấy ai dám ăn sống mà không cần rửa, kể cả những quả đậu bóng đẹp ở siêu thị.
Sau đó chúng tôi được nghe giới thiệu về quy trình canh tác của bà con Churu ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng, tôi mới hiểu tại sao chị Phúc lại tự tin như vậy. Toàn bộ các vườn rau của Iem Gõh Churu đều được trồng theo quy trình hữu cơ tức là giống cây là giống tự nhiên, không được phép trồng trống biến đổi gien, phân bón là phân hữu cơ được bà con ủ từ phân bò, rác rau trong vườn rồi bón, không thêm bất cứ loại phân bón hoá học nào, đất trồng, nước tưới đều đã được kiểm tra và đảm bảo tiêu chuẩn để trồng rau.
Trong quá trình sinh trưởng của cây rau mà xuất hiện sâu bệnh thì bà con chỉ dùng tay bắt sâu hoặc phun chế phẩm sinh học thế nên những lá bắp cải, cải dún, cải ngọt không ít thì nhiều đều có dấu sâu ăn lá. Đến phần thú vị nhất là thu hoạch thì chúng tôi cũng thử nhổ cà rốt, có những củ rất đẹp, cũng có củ có vết nứt hoặc do không cẩn thận mà gãy thì các chị, các mẹ bảo không đạt chuẩn, phải bỏ cho bò ăn thôi. Sau đó rau củ quả được rửa sạch, hong cho ráo nước rồi bó cẩn thận trong túi giấy hoặc lá chuối rồi mới chuyển đến khách hàng. Lượng rau thu từ vườn để đến tay khách hàng có thể bị hao hụt lên đến 30-40%.
Hôm đó chúng tôi được các mẹ các chị tiếp đãi món ngô luộc và rau củ quả luộc ngon tuyệt. Tôi còn nhanh tay xin được một cốc nước ngô luộc mà lâu lắm mới được thấy vị ngọt thanh thuần không lẫn chút đường. Cà rốt, đậu que hay củ dền đều ngọt thơm đến độ chúng tôi không cần nước chấm mà ăn hết cả 2 rổ to của bà con. Ngồi ăn và lắng nghe mới biết được để có rau củ ngon sạch không phải câu chuyện đơn giản.
Từ năm 2016, khi nhận thấy việc trồng rau dùng quá nhiều phân thuốc hoá học có hại cho sức khoẻ của mình và người tiêu dùng, một hộ gia đình người Churu được hướng dẫn chuyển sang trồng rau sạch, không hoá chất. Dần dần cùng với sự đồng hành của Caritas Đà Lạt, bà con tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình trồng rau hữu cơ.
Đến năm 2019, có 14 hộ cùng nhau trồng và đạt chứng nhận hữu cơ CFGS, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn lại 10 hộ với diện tích canh tác 7500 m2. Có những thời điểm như mùa mưa năm 2020 với trận lũ lịch sử ở miền Trung thì khu vực này cũng bị ảnh hưởng mạnh. Mưa lớn liên tục làm dập nát toàn bộ rau ăn lá, làm thối rễ, nấm bệnh cho phần lớn rau lấy củ. Có những người nản chí khi vừa trồng lại rau thì lại mưa, lại hỏng rau. Tuy vậy, bà con vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đến nay, bà con đã khôi phục phần lớn vườn rau và bắt đầu cho thu hoạch những loại rau ngắn ngày.
Được hỏi về niềm vui lớn nhất khi tham gia Iem Gõh Churu, các mẹ nói rằng đó là được chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trồng rau với nhau. Mỗi tháng các mẹ lại có cuộc họp tổ rất vui lại còn được chia tiền bán rau. Tháng nào bán tốt có thể được 2-3 triệu cho mảnh vườn khoảng 500m2. Hơn nữa vì đã đăng ký tổ hợp tác với xã nên bà con được hỗ trợ các chính sách tập huấn, tham quan học tập các mô hình trồng rau hữu cơ khác. Hiện nay sản lượng trung bình của Iem Gõh Churu đạt hơn 1 tấn rau/tháng. Khoảng 80% lượng rau này đang được Proci bao tiêu đầu ra cho một số nhà hàng và người tiêu dùng cá nhân tại Tp Hồ Chí Minh. Điều này góp phần cho bà con yên tâm hơn về đầu ra của sản phẩm.
Gặp được bà con Churu, hiểu được những vất vả, mong muốn của họ tôi càng thêm trân trọng và tin tưởng vào chất lượng những mớ rau, những quả bầu bí mà tôi dành cho gia đình. Hy vọng bà con Churu sẽ tiếp tục giữ vững và mở rộng mô hình này để ngày càng có nhiều sản phẩm rau hữu cơ với giá cả phải chăng.
Để tìm hiểu thêm về chuyến đi thăm vùng trồng hữu cơ của các nông hộ dân tộc Churu vào buổi chiều của chương trình, mời bạn đón đọc các phần của series bài LÀM NÔNG CẦN ĐÔNG MỚI SỐNG – NÔNG NGHIỆP CỘNG ĐỒNG & GREEN TALK 11.