Ngày 30 tháng 3 vừa rồi, GreenEdu đã tham gia Diễn đàn doanh nghiệp tạo tác động xã hội (Impact Enterprise Summit) do Seed Planter tổ chức. Diễn đàn đã thu hút hàng trăm người tham dự, phần lớn đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc và cùng hướng đến một mục tiêu chung là tạo tác động tích cực cho xã hội.
Anh Huỳnh Hạnh Phúc – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Green Edu cũng là một trong những diễn giả chính cho chương trình của Seed Planter năm nay với ba phiên thảo luận.
Trong phiên thảo luận vào buổi sáng, người tham dự có cơ hội nghe anh Phúc chia sẻ về Bức tranh tổng quát của chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam. Anh nêu ra những trăn trở của mình về thực trạng của nông nghiệp Việt Nam, vị trí của người nông dân trong thời kỳ hội nhập và công nghệ 4.0 thông qua việc chỉ ra những hạn chế của nông nghiệp nước nhà, nghịch lý nguồn nhân lực nông thôn và mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp. “Làm sao để tạo ra lực lượng nông dân Việt Nam thông minh và hội nhập trong thời đại 4.0?” “Làm sao để “miếng bánh giá trị” nông nghiệp lớn hơn và công bằng hơn cho người nông dân?” là những câu hỏi khép lại phiên thuyết trình của anh Phúc mà chúng ta cần giải quyết để đưa nông dân trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam.
Vào buổi trưa, các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe anh Huỳnh Hạnh Phúc chia sẻ một lần nữa tại Phiên thảo luận Nông nghiệp giá trị cao cùng với các diễn giả khác đến từ The Coffee House, Rau cười Việt Nhật và Đạt Butter. Đáng chú ý ở phiên thảo luận này, anh Phúc gửi lời khuyên tới các bạn trẻ rằng nếu các bạn muốn khởi nghiệp một doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, trước tiên hãy xác định mình có muốn trở thành người phụng sự cho cộng đồng hay không.
Điểm nhấn của diễn đàn lần này là không gian thực hành trải nghiệm, nơi người tham dự có cơ hội kiến tạo mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội bằng cách áp dụng tư duy thiết kế. Các bạn được lập nhóm và cùng nhau thảo luận bài toán do diễn giả đề ra, sau đó nhận được góp ý từ các diễn giả. . Đây cũng là phiên thảo luận cuối cùng do anh Phúc trình bày vào buổi chiều nhằm hướng dẫn những bạn tham dự diễn đàn cùng tham gia vào mô hình kinh doanh cho kênh việc làm ngành nông nghiệp và phát triển xanh Green Job.
Ngoài ra, Green Edu cũng có tham gia trong triển lãm doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam cùng với các doanh nghiệp lớn trong ngành như KOTO – “anh cả” của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, chuyên đào tạo hướng nghiệp, giáo dục định hướng và tạo công ăn việc làm miễn phí cho các thanh thiếu niên đường phố trong ngành nhà hàng hay Teach For Vietnam– với sứ mệnh xây dựng nền giáo dục bình đẳng và hoàn thiện cho mọi trẻ em Việt Nam.
Gian hàng đã nhận được sự quan tâm đông đảo và tích cực của các bạn trẻ đến tham gia. Ghé thăm gian hàng Green Edu, mọi người được lắng nghe về hai dự án hiện có của tổ chức là GreenJob – nền tảng tuyển dụng kết nối nhà tuyển dụng và người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, và “Value Chain Associate Program” – Chương trình Cộng sự Chuỗi giá trị Nông nghiệp, tất cả nhằm cải thiện nguồn nhân lực cho nông thôn Việt Nam, tập trung vào thay đổi hệ sinh thái nguồn nhân lực và khởi nghiệp nông thôn, để tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Hơn nữa, các bạn còn rất thích thú khi được thử sản phẩm nước ép nguyên chất WeLove của Lavifood – một đối tác “xanh” của GreenJob.
Qua diễn đàn lần này, anh Phúc và Green Edu tin rằng luôn có một đội ngũ thế hệ trẻ Việt Nam khao khát tạo ra sự thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng qua chính công việc hàng ngày của họ. Green Edu hy vọng những diễn đàn như thế này sẽ luôn được tổ chức định kỳ, cùng với GreenJob giúp kết nối một nguồn nhân lực xanh cho cuộc sống xanh, từ đó tạo nên một cộng đồng phát triển bền vững.