Ngày 06/06 vừa qua, đội ngũ Cộng sự Chuỗi Giá trị (VCA) đến từ Công ty Cổ phần Green Edu đã tổ chức sự kiện Green Talk 04 – Gặp mặt và chia sẻ về Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia (PGS) trong nông nghiệp hữu cơ.
Chương trình hân hạnh có sự góp mặt của cô Từ Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam và chị Mayu Ino – Giám đốc tổ chức Seed To Table (một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản được lập ra với sứ mệnh giúp đỡ người nông dân Việt trong chăn nuôi và canh tác hữu cơ). Đến tham dự chương trình là hơn 20 anh chị làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và những bạn trẻ quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ.
Buổi sáng diễn ra sôi nổi với phần giới thiệu về PGS được trình bày bởi đội ngũ VCA. Người tham dự được giới thiệu về tình hình tổng quan PGS trên thế giới và tại Việt Nam, các nguyên tắc thực hiện, cơ cấu tổ chức của một hệ thống chứng nhận PGS, lợi ích của các bên tham gia (hộ sản xuất, người tiêu dùng và nhà phân phối) và triển vọng của PGS đối với nước ta.
Mục Lục Bài Viết
PGS là gì?
PGS là viết tắt của cụm từ Participatory Guarantee System – Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia. Mô hình PGS đầu tiên ra đời vào thập niên 1970, song thuật ngữ PGS mới được đặt ra sau hội thảo “Chứng nhận Thay thế” ở Brazil vào năm 2004. Hội thảo có sự góp mặt của hơn 40 người tiên phong thực hiện PGS đến từ 20 quốc gia, vào thời điểm đó, một số hệ thống đã đang chạy rất tốt.
Hệ thống PGS được áp dụng vào nước ta kể từ năm 2008, hệ thống chứng nhận đầu tiên được thành lập tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình) dưới sự giới thiệu của Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch (ADDA). Hệ thống chứng nhận đã đến Việt Nam trong bối cảnh nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, tỉ lệ người nông dân chưa qua đào tạo lại cao. PGS được IFOAM phát triển để bảo đảm chất lượng hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ sức khỏe của hệ sinh thái, người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời nâng cao năng lực cho nông dân cũng như tăng cường kết nối các cộng đồng.
Tham gia vào hệ thống PGS, người nông dân được đào tạo kiến thức thường xuyên và liên tục về sản xuất và quản lý chất lượng, tham gia giám sát, thanh tra chéo quá trình canh tác, được cấp chứng nhận cho nông sản và được hỗ trợ kết nối thị trường. Hệ thống đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm được canh tác hữu cơ, giúp người nông dân ít vốn có thể theo đuổi con đường canh tác bền vững mà không cần tốn quá nhiều tiền cho chứng nhận bởi bên thứ ba.
Làm thế nào để được chứng nhận tiêu chuẩn PGS?
Để triển khai được một hệ thống PGS ở địa phương, cần có đủ nguồn lực để vận hành 4 cấp: cấp cơ sở là Nông hộ (hộ nông dân), từ 5 hộ trở đi thì có thể thành lập Nhóm nông hộ, trên Nhóm là Liên nhóm, và cơ quan kiểm soát toàn bộ hệ thống là Ban điều phối địa phương. Mỗi cấp có ban quản lý/người chịu trách nhiệm quản lý riêng, từ cấp Liên nhóm trở lên có đầy đủ bộ phận kỹ thuật chuyên môn và quản lý chất lượng, đảm bảo sự trung thực, đáng tin cậy, có sự tham gia giám sát của các bên. (Để tìm hiểu rõ hơn về cách vận hành một hệ thống PGS, hãy đọc thêm bài viết Các câu hỏi về hệ thống PGS)
Nhờ bản đồ minh họa trực quan các PGS trên thế giới, (xem bản đồ các hệ thống PGS trên thế giới tại: https://pgs.ifoam.bio/) cách diễn giải dễ hiểu và sinh động các nguyên tắc và đặc điểm của hệ thống, trò chơi về sắp xếp cơ cấu hệ thống và các hoạt động thảo luận nhóm về lợi ích của PGS, đa phần người tham gia nắm được các kiến thức nền tảng và hài lòng về phương thức tổ chức giảng dạy của chương trình. Sự kết hợp giữa hình thức học thông qua thảo luận nhóm và trao đổi trực tiếp với chuyên gia làm người tham gia thích thú, nhiệt tình phát biểu, hào hứng đào sâu đến gốc rễ vấn đề.
Sau giờ nghỉ trưa là buổi tọa đàm về hành trình hữu cơ trên đất Việt với sự tham gia chính của hai diễn giả khách mời là cô Tuyết Nhung và chị Mayu – hai người phụ nữ đã gắn bó với PGS Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Với cô Nhung, khởi đầu hành trình mang PGS về Việt Nam là thời gian cô tham gia dự án ADDA của Đan Mạch về nông nghiệp hữu cơ. Sau khi dự án đóng, người nông dân mong muốn được duy trì hệ thống PGS để họ có thể yên tâm canh tác hữu cơ, và cô đã hứa là sẽ tiếp tục giúp đỡ.
Lời hứa này là động lực để cô tiếp tục con đường, “giấu chồng lấy lương hưu đi làm tình nguyện”, gắn bó với bà con nông dân miền Bắc cho đến bây giờ. Còn với chị Mayu, cái duyên với nông nghiệp Việt Nam bắt đầu khi chị sang đây lần đầu tiên năm 1994, và quyết định gắn bó tâm huyết với mảnh đất này chỉ vài năm sau đó. PGS ở Việt Nam phát triển đến hôm nay là nhờ là tinh thần quyết liệt, dám nghĩ dám làm, những đóng góp không ngừng nghỉ của những người đi trước.
Ngoài sự góp mặt ý nghĩa của hai diễn giả chính, chương trình cũng được đón tiếp TS. Nguyễn Bá Hùng – Viện trưởng Viện Kinh Tế Nông nghiệp Hữu cơ, bác Mai Đình Hồng – Giám đốc Trung tâm Nông lâm nghiệp Bền vững từ Viện Kinh Tế Xanh và anh Nguyễn Hoàng Hải – người sáng lập Procifood – đơn vị cung cấp nông sản đạt chuẩn PGS trong khuôn khổ dự án Lương tâm sạch – Thực phẩm sạch.
Buổi trò chuyện diễn ra sôi nổi với phần hỏi đáp nhiệt tình giữa khán giả và khách mời. Người tham dự chăm chú lắng nghe những chia sẻ chân thành từ những người tận tâm với nông nghiệp hữu cơ mà với họ, một công cụ ý nghĩa, thiết thực giúp cho ước mơ về một nền nông nghiệp bền vững được thực hiện chính là PGS.
Tuy vậy, không dễ dàng để triển khai được một hệ thống PGS. Qua 12 năm thực thi, cho đến nay, cả nước chỉ có 6 Hệ thống chứng nhận trong 7 tỉnh thành được tham gia, chứng nhận bởi Ban điều phối PGS Việt Nam, trong đó ngoài miền Bắc có 4 cơ quan chứng nhận, miền Trung chỉ có 1 cơ quan và miền Nam cũng vậy. Cô Nhung cho biết, tốc độ mở rộng PGS phải đi chậm mà chắc, ít mà chất. Chính quyền và người dân địa phương phải thực sự hiểu được lợi ích của PGS, chủ động thành lập PGS thì cô và Ban điều phối sẵn sàng giúp đỡ.
Khâu lựa chọn địa bàn để bắt đầu triển khai được thực hành cực kỳ kỹ lưỡng, mà điều quan trọng nhất để quyết định có hợp tác với địa phương hay không là chính quyền địa phương, cán bộ hợp tác xã có đồng quan điểm không, vùng đất canh tác có nguy cơ bị nhiễm bẩn không, có đủ số lượng nông hộ để triển khai không, v.v… Và một khi đã thành lập được Ban điều phối PGS tại địa phương, việc cốt yếu là phải làm sao để kiểm soát hệ thống đó đi theo đúng mục đích và giá trị cốt lõi của hệ thống chứng nhận PGS.
Với câu hỏi vui “Vậy có phải là để vận hành PGS thì trong hệ thống phải có những người “đóng vai ác” phải không ạ?”. Cả hai vị diễn giả đều mỉm cười và gật gù, cô Mayu kể: “Đúng vậy, ở ngoài miền Bắc thì người ta sợ chị Nhung, còn ở trong Nam thì người ta sợ Mayu lắm đấy.” Kể về hành trình đến với nông nghiệp Việt và gắn bó với người nông dân, chị Mayu cho biết mình đã từng có cơ hội đi qua ba miền, thấy thích thú khi nhìn thấy sự khác biệt trong văn hóa, lối sống của người nông dân ở các vùng và chị cũng hiểu được tầm quan trọng của nông nghiệp đối với người Việt.
Năm 2012, chị Mayu cùng Seed ro Table lập ra ngân hàng Bò, Vịt, cho các hộ nông dân tại Bến Tre vay vịt, bò để chăn nuôi, có hộ đã từ 25 con vịt con ban đầu mà sang năm tiếp theo đã có thể dành dụm mua cho mình một mảnh đất. Khi được khán giả đặt câu hỏi về cách xin tài trợ cho tổ chức, chị bật mí rằng bạn trẻ phải có khả năng viết đề xuất tài trợ tốt, và cốt lõi là phải đi thực tế để thấu hiểu đời sống người nông dân, như lúc chị làm ngân hàng Bò – Vịt, chị đi đến tận nhà 200 hộ nông dân, dành ra 2 tiếng cho mỗi hộ để trò chuyện nhằm hiểu rõ thực tế câu chuyện và khả năng triển khai dự án của họ, phải hiểu thì mới thương.
Buổi talkshow khép lại với sự chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Hải – founder Procifood – đơn vị hợp tác với 30 hộ nông dân và cung cấp nông sản cho 500 khách hàng tại địa bàn TP.HCM. Nói về tiềm năng của PGS, anh cho biết người tiêu dùng rất cần rau hữu cơ giá tốt để ăn, nhu cầu thị trường rất lớn, chúng ta lại chưa đủ năng lực cung cấp. Tuy nhiên, phải chú ý, để có thể đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng, nhà phân phối phải đảm bảo có đủ giấy chứng nhận VSATTP và giấy chứng nhận hữu cơ.
Sự kiện Green Talk khép lại với tiếng cười giòn tan của cả người tham dự lẫn khách mời qua Trò chơi đố vui về nông nghiệp Việt.
Dẫu biết hành trình đi đến một nền nông nghiệp bền vững còn dài và còn khó khăn, nhưng hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Chúng ta cùng mong chờ một thế hệ trẻ Việt Nam có năng lực, có đam mê học hỏi những kinh nghiệm từ người đi trước và áp dụng những kiến thức đó để phát triển, mở rộng hệ thống PGS trên khắp các vùng miền đất nước.
Green Talk là chuỗi sự kiện kết nối chuyên gia nhằm chia sẻ kiến thức đến những người đam mê nông nghiệp.