Ngày 4/10/20, sự kiện Green Talk đặc biệt đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 41 người quan tâm và đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
Buổi sáng, đoàn tham quan di chuyển từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc. Tại đây, đoàn được tiếp đón niềm nở bởi đại diện trang trại Darwin. Tọa lạc ngay trong trang trại là một hội trường rộng rãi, nơi người tham dự được nghe trình bày về tình hình nông nghiệp hữu cơ thế giới và tham dự tọa đàm nông nghiệp với chủ đề “Hữu cơ đáng giá bao nhiêu”.
Tọa đàm vinh dự có sự góp mặt của 5 khách mời: TS. Nguyễn Bá Hùng – Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, bác Lê Thuần Phong – Chủ trang trại Darwin (đạt chứng nhận USDA), chị Trần Thị Thanh Bình – Phó trưởng ban điều phối Hệ thống PGS, anh Trần Mạnh Chiến – CEO hệ thống cửa hàng Bác Tôm và anh Ngô Văn Nghị – trưởng BQL Liên nhóm Thanh Xuân (Sóc Sơn). Trong phiên tọa đàm, các diễn giả lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm, kỉ niệm trong hành trình theo đuổi nông nghiệp hữu cơ của mình.
Mục Lục Bài Viết
NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÀ MỘT MÓN QUÀ
Với bác Phong – chủ trang trại Darwin, lý do đến với nông nghiệp hữu cơ chỉ đơn giản là vì bác muốn để lại cho con gái một món quà thực sự ý nghĩa. Vì vậy mà dù tuổi đã cao, bác đã chọn một vùng đất tách biệt để khai hoang, xây dựng nên một nông trại hữu cơ hiện đại đạt chuẩn quốc tế USDA. Trang trại Darwin định hướng trở thành một trang trại giáo dục – nơi đón các em học sinh trường quốc tế Olympia đến tham quan và học tập về nông nghiệp hữu cơ, về đa dạng sinh thái.
Hội trường rộng rãi được tài trợ bởi trang trại Darwin – nơi người tham dự sự kiện Green Talk 08 ngồi nghe chia sẻ.
Để lấy được chứng nhận hữu cơ chuẩn quốc tế không dễ dàng chút nào, TS. Nguyễn Bá Hùng cho biết: “Ở nước ngoài, người ta chỉ gọi sản phẩm là “Organic” khi mẫu đất, nước, mẫu sản phẩm đem đi kiểm nghiệm và đạt 600 chỉ tiêu hóa học, các yếu tố môi trường xung quanh phải được kiểm soát cực kỳ chặt chẽ và quy định thì phải tuân thủ nghiêm ngặt.” Ngoài ra, bác cũng nhấn mạnh rằng để có thể kiểm soát được sâu bệnh về lâu về dài, ta phải đảm bảo được sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học trên trang trại.
CANH TÁC HỮU CƠ VỚI PGS – HƯỚNG ĐI CHO BÀ CON SẢN XUẤT NHỎ
Trong khi sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế đã có những vị thế nhất định, chuẩn chứng nhận hữu cơ PGS ở “sân nhà” đã rất chật vật để chứng tỏ hiệu quả và sự minh bạch của hệ thống từ những ngày đầu tiên. Chia sẻ về hành trình phân phối nông sản hữu cơ đạt chuẩn PGS của mình, anh Trần Mạnh Chiến – CEO Chuỗi cửa hàng Bác Tôm kể, chuỗi ngày khởi đầu với nông nghiệp hữu cơ là chuỗi ngày đầy gian nan. Canh tác hữu cơ thì vất vả hơn so với canh tác hóa học, sản phẩm làm ra thì bị chê “xấu”, lại bán giá cao, 3 tháng trời đi chào hàng ở các siêu thị là 3 tháng bị trả hàng về, rau bị hắt hủi vì “vừa xấu vừa đắt”.
Nhận thấy không thể tiếp tục như vậy, anh thử nghiệm một hướng phân phối mới – bán lẻ thay vì bán buôn. Vậy là cửa hàng Bác Tôm đầu tiên ra đời, tiên phong cung cấp thực phẩm sạch cho khu vực Hà Nội, sau 11 năm phát triển, đến nay số lượng cửa hàng trong chuỗi đã là 21, như thế, “phép thử” đã thành công.
Là một trong ba người đầu tiên xây dựng hệ thống PGS tại Việt Nam, anh Chiến chia sẻ thêm về sự khác biệt của mô hình PGS so với các mô hình lấy chứng nhận từ bên thứ ba. Khác với trang trại tư nhân – là trang trại của một cá thể, một hệ thống trang trại PGS được cấu thành bởi nhiều hộ nông dân nhỏ ở cạnh nhau, họ được tập huấn để canh tác theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam và được giám sát thường xuyên. Quá trình giám sát trong hệ thống PGS được thực hiện bởi sự kết hợp giữa: giám sát chéo giữa các hộ/các nhóm với nhau, giám sát bởi doanh nghiệp khách hàng, giám sát từ kỹ sư thực địa cử ra bởi ban điều phối, và quá trình giám sát này được thực hiện liên tục thường xuyên vào hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
Tiếp nối tọa đàm là những lời trải lòng về giai đoạn đầu đầy khó khăn khi vận hành dự án ADDA*, mang nông nghiệp hữu cơ về với bà con dân tộc của chị Thanh Bình. Xuất thân là một giảng viên, chị góp sức vào dự án bằng công việc tư vấn, đào tạo cho bà con nông dân canh tác hữu cơ. Chị chia sẻ: “Trước khi thực hiện dự án thì chúng tôi là những người rất thích kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vì lãi thu được rất cao. Nhưng sau khi tham gia dự án, được tiếp xúc với kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, tôi nhận ra đây là một mô hình rất nhân văn.”
Làm việc với bà con nông dân không hề dễ dàng, chị Bình kể có lần bà con không tuân thủ quy trình bón phân, vì ngại ủ phân mà vét cả nước cặn biogas để bón cho rau, khi kiểm tra thì thấy nồng độ nitrat cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, rồi thêm vào đó là tình trạng người cân nhiều, người cân thiếu. Chị Bình nói: “Đối với những người làm công tác giáo dục như tôi, nếu bà con chưa qua đào tạo mà vi phạm thì không sao, còn đã qua đào tạo rồi mà vẫn vi phạm thì rất đau lòng”. Bên cạnh giám sát quá trình canh tác của bà con nông dân, hệ thống PGS cũng cử người để đi giám sát các doanh nghiệp thành viên, xử lý ngay những tình trạng nhà phân phối tuồn hàng từ trại khác.
Chị Bình phát biểu: “12 năm nay, trên hành trình nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi luôn tin tưởng bà con nông dân, doanh nghiệp, kỹ thuật viên chuyên môn, khách hàng, các thành viên. Tuy nhiên, niềm tin thôi chưa đủ, tôi tin tưởng anh nhưng làm cách nào để sản xuất tốt nhất, như vậy thì phải kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ cần một người vi phạm thôi thì cả nhóm sẽ bị thu hồi chứng nhận.”
Kết thúc tọa đàm, người tham dự được chủ trang trại Darwin và TS. Nguyễn Bá Hùng trực tiếp dẫn đi tham quan trang trại hữu cơ rộng 5 ha. Các khu vực tham quan bao gồm: hệ thống nhà màng, hồ chứa nước, trạm bơm, nhà sơ chế, khu vực vườn ươm. Trên đường tham quan, người tham dự vừa nghe giảng giải, vừa hỏi đáp thêm về kỹ thuật, về cách tổ chức trang trại với bác Hùng.
THAM QUAN MÔ HÌNH CANH TÁC HỮU CƠ VỚI TIÊU CHUẨN PGS
Rời trang trại Darwin tại Vĩnh Phúc, đoàn tham quan tiếp tục di chuyển đến khu vực trang trại hữu cơ rộng hơn 30 ha đạt chứng nhận PGS tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Trang trại đang có nhiều nông sản chuẩn bị thu hoạch, người tham dự thích thú men theo những lối đi được lót rơm để tham quan từng khu vực vườn trồng. Một buổi chia sẻ đặc biệt đã diễn ra ngay ngoài trời. Ngồi giữa thiên nhiên, anh Nghị – Trưởng BQL Liên nhóm Thanh Xuân đã giới thiệu sơ lược về liên nhóm và chia sẻ thêm cho người tham dự các kiến thức về nông nghiệp hữu cơ.
Về tổ chức, trang trại hữu cơ phải có hàng rào đệm để cách biệt với môi trường bên ngoài, rau củ quả thì được trồng trọt luân canh và xen canh nhằm hạn chế sâu bệnh, chế phẩm sinh học để phun xịt trừ bệnh hại phổ biến là hỗn hợp gừng, tỏi, ớt. Khi tình trạng sâu bệnh vượt tầm kiểm soát, nông dân sẽ tiến hành ngắt ngọn, hoặc thậm chí là tiêu hủy số rau. Dưới không khí chia sẻ thân mật, gần gũi, người tham dự đã nhiệt tình tương tác, liên tục đặt ra các câu hỏi để hiểu sâu hơn về cách tổ chức, vận hành trang trại hữu cơ. Sau buổi chia sẻ, người tham dự hăng hái tiếp tục khám phá trang trại và “thu hoạch” các bó rau, bắp ngô tươi lành.
Sự kiện Green Talk 08 – “Hữu cơ đáng giá bao nhiêu” khép lại với những nụ cười rạng rỡ, những câu chuyện kết nối những câu chuyện kết nối giữa người tham dự. Hành trình tham quan trang trại hữu cơ lần này đã kết thúc nhưng chúng tôi tin rằng hành trình khám phá nông nghiệp hữu cơ của những người tham dự nhiệt tâm sẽ chưa dừng lại ở đó.
Green Edu xin chân thành cảm ơn Bác Lê Thuần Phong – Chủ trang trại Darwin đã nhiệt tình hỗ trợ địa điểm, cung cấp hội trường rộng rãi để Green Edu có thể tổ chức sự kiện Green Talk vì cộng đồng. BTC cũng xin gửi lời cảm ơn đến các anh chị cô bác đang công tác trong hệ thống PGS đã tạo điều kiện để đoàn đến tham quan, học hỏi tại mô hình. Xin chúc sức khỏe và xin gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người yêu nông nghiệp đã đồng hành cùng Green Edu.
Sự kiện Green Talk 08 – “Hữu cơ đáng giá bao nhiêu” khép lại với những nụ cười rạng rỡ.
(*) Dự án ADDA: Dự án phát triển rau hữu cơ năm 2008 được vận hành bởi tổ chức ADDA (Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch – Châu Á)