Người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến “cuộc sống xanh” và điều này mở ra cơ hội cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo theo đuổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững. Có thể nói xu hướng tiêu dùng xanh đã hình thành nên thói quen sống xanh và các công ty kinh doanh vì cộng đồng theo mô hình khởi nghiệp bền vững đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dùng.
Mục Lục Bài Viết
Tiêu dùng xanh là gì?
Tiêu dùng xanh là hoạt động mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người cũng như không “đe dọa” đến hệ sinh thái. Tiêu dùng xanh ra đời từ mong muốn bảo vệ nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững. Với xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên lựa chọn và là tiêu chuẩn để thu hút sự chú ý của người dùng.
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày nay được nhiều người dùng ủng hộ
PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm và thân thiện hơn môi trường. 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Sau đại dịch, nhiều người tiêu dùng cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen,…vì sử dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.
Khảo sát về xu hướng người tiêu dùng của Deloitte vào tháng 6/2021 cho thấy chất lượng vẫn là yếu tố tác động đến hành vi mua hàng của người dùng. Lý giải cho điều này là do đại dịch tác động đến tâm lý người dùng, thúc đẩy họ quan tâm đến sức khỏe hơn, cũng như các vấn đề xã hội. Đối tượng khách hàng trẻ tuổi đòi hỏi nhiều điều hơn ở một sản phẩm hoặc dịch vụ. Không chỉ giá cả, chất lượng hay uy tín thương hiệu mà còn nằm ở những yếu tố lớn hơn như trách nhiệm xã hội, giải quyết vấn đề về môi trường như thế nào.
Các thương hiệu đi theo xu hướng tiêu dùng xanh như thế nào?
Người tiêu dùng đi theo lối sống xanh đã thôi thúc nhiều thương hiệu thay đổi. Ví dụ đối với lĩnh vực thời trang, các thương hiệu như Nike, Adidas, Zara hay H&M đã hành động hướng đến sản xuất sản phẩm bền vững, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu.
Thương hiệu thời trang H&M hướng tới mục tiêu sử dụng nguyên liệu từ những nguồn bền vững
Theo đó, Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho các nhà máy vào năm 2025. Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh, polyester hữu cơ để sản xuất quần áo. Đối với H&M, có 35% sản phẩm được sản xuất bởi nguyên liệu tái chế và đến năm 2030 sẽ sử dụng hoàn toàn nguyên liệu này để sản xuất ra sản phẩm.
Đi theo xu hướng sản xuất bền vững, BMW đã sản xuất mẫu ô tô điện BMW i3 theo quy trình tiết kiệm 50% năng lượng, với 95% kết cấu xe có thể tái chế. Còn IKEA, ông lớn của ngành thiết kế nội thất đã loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần từ năm 2020. IKEA cũng đặt mục tiêu giảm 70% tác động khí hậu trên mỗi sản phẩm vào năm 2030.
“Xanh hóa” là yếu tố cần thiết
Xu hướng tập trung vào chất lượng và chi tiêu cho sản phẩm xanh là chất xúc tác để startup triển khai mô hình khởi nghiệp bền vững. Ý tưởng kinh doanh bền vững ra đời để giải quyết nhu cầu tiêu dùng có trách nhiệm.
Khi giải quyết được bài toán “Xanh” trong hoạt động sản xuất với các tiêu chí như đạt chuẩn chất lượng, xử lý chất thải hay tái chế sản phẩm,…doanh nghiệp có thể xâm nhập và hưởng mức thuế ưu đãi khi gia nhập thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU.
Theo quy định của Việt Nam, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hay sản phẩm có gắn “Nhãn xanh Việt Nam” sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, miễn/giảm thuế, phí liên quan đến bảo vệ môi trường.
Nói tóm lại, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay đang hướng đến phát triển bền vững, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và xem điều đó là tiêu chuẩn cho sản phẩm, dịch vụ. Sự thay đổi thói quen, hướng đến sống xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho startup khi cung ứng sản phẩm theo tiêu chí xanh, sạch, thông tin minh bạch để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được tính bền vững.