Cuối tháng 3 vừa qua, Green Edu có cơ hội trò chuyện trực tiếp cùng Ms. Trâm Cao đến từ trường Đại học Fulbright. Yeztalk số 03 với chủ đề “Làm ngành” hay làm trái ngành đưa đến cho các bạn trẻ Gen Z về một góc nhìn chọn ngành, chọn nghề phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, diễn giả còn giải đáp một số câu hỏi thắc mắc xoay quanh việc xử lý một số tình huống khi đi làm.
Mục Lục Bài Viết
Chuyên ngành truyền thông – Đi “làm ngành” quản lý giáo dục
Ms.Trâm Cao, hiện đang là Academic Affairs Manager tại trường Đại học Fulbright Việt Nam. Trâm là “chiếc cầu nối” bộ phận đào tạo với đời sống sinh viên, với mong muốn đem đến trải nghiệm học tập toàn vẹn nhất cho các bạn trẻ.
Trâm từng theo học truyền thông nhưng lại bén duyên với ngành giáo dục. Sau quãng thời gian phấn đấu và nhìn lại con đường mình đã đi qua, Trâm chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là bản thân chúng ta học được kiến thức gì và sử dụng chúng trong quá trình làm việc sau này như thế nào. Cho dù lựa chọn ngành nghề đầu tiên của bạn là gì đi chăng nữa”.
Trâm chia sẻ: “Thời điểm còn là sinh viên thì mình cũng tham gia rất nhiều sự kiện để tiếp cận với nhiều sinh viên các nước. Trong quá trình đó mình có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những người làm trong mảng giáo dục thì phát hiện ra những điều rất thú vị. Bởi vậy mới nói, nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề 🙂 Và mình cũng rất biết ơn khoảng thời gian học về truyền thông. Nhờ có những kiến thức đó, mình hoàn toàn có thể ứng dụng vào trong quá trình làm quản lý giáo dục hiện tại”
Gen Z trong mắt Gen Y
Là người làm việc trong môi trường giáo dục và có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Gen Z ngày nay, Trâm thấy các bạn trẻ Gen Z rất hiện đại, giỏi giang. Các bạn có sự nhạy bén, nắm bắt xu hướng nhanh, mạnh dạn, tự tin, dám nêu lên suy nghĩ và quan điểm của mình về những chủ đề nóng hổi như chính trị, bình đẳng giới…
“Nhớ lại mình của ngày xưa thì tốc độ cập nhật thông tin chậm hơn, nếu muốn tìm hiểu thông tin hay làm bài tập lại chạy ra quán net gần nhà. Còn ngày nay, các bạn trẻ có thể có thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng. Đó cũng là cơ hội để các bạn thường xuyên cập nhật và phát triển bản thân.”
Bối cảnh công nghệ hiện tại mang đến cả những điều tích cực lẫn tiêu cực. Điểm yếu dễ nhận thấy ở các bạn GenZ gồm tính cả thèm chóng chán. Nếu nói một điều mà Gen Z nên khắc phục theo ý kiến cá nhân của Trâm thì các bạn cần rèn luyện tính kiên nhẫn hơn nữa để có thể đạt được những thành tựu mà các bạn mong muốn.
Yếu tố ưu tiên trong xây dựng lộ trình hoạch định phát triển sự nghiệp
Thời điểm đầu lúc mới ra trường thì ít nhiều cũng sẽ hoang mang với việc vạch ra lộ trình phát triển sự nghiệp – đó là điều bình thường. Trong quá trình học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì chúng ta có thể bắt tay vào việc trang bị cho bản thân bộ kỹ năng mềm.
Những kỹ năng này sẽ không học được từ trong sách vở mà sẽ thông qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ…
Bạn cũng có thể đầu tư theo học những lớp kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng thấu cảm, quản lý cảm xúc… Những kỹ năng này sẽ là công cụ đắc lực cho việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cấp trên. Nhờ đó mà năng suất làm việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Wellbeing – Tinh thần thoải mái đưa đến tự do tài chính
Hiện nay vấn đề Wellbeing và sự quan tâm về sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Vậy giới trẻ nên chọn ngành nào để đạt được mục tiêu cả về mặt tài chính lẫn wellbeing?
Đối với Trâm, ngành nào cũng có thể đáp ứng được cả. Miễn là mình đủ đam mê.
Bạn chỉ có thể đạt được tự do về mặt tài chính khi tinh thần của bạn thoải mái. Mỗi buổi sáng lên công ty với tâm thế thoải mái và lòng biết ơn những điều nhỏ xung quanh cuộc sống của mình, ngày đó mình có thể hoàn thành tốt công việc. Khi công việc mình đạt hiệu quả cao thì nó sẽ dẫn dắt và mở ra nhiều cơ hội mới cho mình thăng tiến và phát triển, từ đó đạt được mục tiêu tài chính.
Mỗi khi có xung đột thì Trâm sẽ luôn nhắc nhở bản thân mình: Tạm gác – Nói chuyện – Tạm quên. Khi những cảm xúc tiêu cực ập đến thì điều đầu tiên mình làm đó là tạm gác. Điều đó có nghĩa là mình sẽ không để những cảm xúc đó làm chủ mình. Thay vào đó mình sẽ làm một việc thay thế khác như đi loanh quanh và nói chuyện với những người đồng nghiệp hoặc một người nào đó thân thuộc. Cách đó sẽ giúp mình tạm quên đi những bức xúc trong lòng. Khi mình bình ổn cảm xúc rồi thì mình sẽ nói chuyện với đối tượng khiến mình nổi lên những cảm xúc tiêu cực đó ở một không gian khác như đi cà phê chẳng hạn.
Ngoài ra, để nuôi dưỡng năng lượng tích cực bên trong thì mình sẽ dành thời gian bên gia đình hoặc làm những điều mình thích: vẽ tranh, làm thủ công…
Gỡ rối giúp… du học sinh 9x
Việc làm việc trong công ty môi trường nhiều thế hệ tại Việt Nam, các bạn trẻ quen dùng tiếng anh và có những anh chị thế hệ 8x,9x.. cảm thấy bị xúc phạm. Trâm nghĩ sao về vấn đề này?
Bản thân mình cũng từng là du học sinh nên mình cũng từng trải qua chuyện này. Thực chất thì việc sử dụng tiếng anh môi trường công sở là không có ý xấu, hay mục đích là ra vẻ ta đây khoe khoang. Ngôn ngữ được sử dụng với mục đích là để giải thích cho mọi người hiểu. Tuy nhiên, mình nên tiết chế. Trâm chọn cách là trau dồi vốn ngôn ngữ và tìm hiểu những từ đồng nghĩa trong tiếng Việt, bởi ngôn ngữ của chúng ta rất là đẹp. Đọc nhiều sách hơn cũng là một cách mình cảm thấy khá hiệu quả để giúp cho những bạn du học sinh có thói quen tư duy bằng tiếng Anh dần hòa nhập với môi trường làm việc tại Việt Nam.
Hiện nay, cơ hội cho du học sinh Việt Nam đang dần bị thu hẹp bởi nhiều trung tâm đào tạo cấp bằng quốc tế cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao mà mức lương cạnh tranh. Sinh viên du học quốc tế khó tìm cơ hội để trở về cống hiến. Ý kiến của Trâm về quan điểm này?
Mình không hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Bởi theo Trâm được biết, hiện nay có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia mở công ty tại Việt Nam thì cơ hội cho du học sinh rất là nhiều. Kể cả khi trung tâm đào tạo được nhân lực với bằng cấp quốc tế thì vẫn có sự khác biệt đó chính là trải nghiệm văn hóa và môi trường khi bạn đi du học. Các bạn du học sinh trở về thì ban đầu chấp nhận khởi điểm mức lương vừa phải để lấy kinh nghiệm. Việt Nam giờ có rất nhiều cơ hội, tình hình dịch bệnh Covid thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và mở ra loại hình làm việc hybrid-working. Bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào.
Hãy luôn giữ vững tinh thần học hỏi không ngừng để liên tục thu nhận, cập nhật kiến thức. Nghề của bạn có thể thay đổi nhưng kỹ năng và kiến thức là của mình. Bạn có thể vững vàng hơn, dù cho Covid hay bất kì điều gì ập đến.
Tóm lại
Ms. Trâm Cao mượn một câu trích dẫn mà mình luôn tâm đắc để nhắn nhủ tới các bạn trẻ đang phân vân, lo lắng chọn cho mình hướng đi…
Đừng bao giờ sợ hãi sự thay đổi, bởi đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Ngược lại, hãy chuẩn bị thật tốt để đối mặt với sự thay đổi đó. Trâm và Green Edu chúc cho các bạn trẻ tự tin và khám phá ra được những sức mạnh nội tại bên trong mình. Chúng ta sẽ ổn!
Bật mí Yeztalk 04 – To B(A) or not B(A)? Chương trình giải đáp các câu hỏi và thắc mắc về ngành nghề Business Analyst và cách ứng dụng đa dạng kiến thức về ngành trong mọi lĩnh vực cuộc sống.