Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) là công nghệ đóng vai trò quan trọng với các hệ thống vận hành của tương lai, trong đó kho hàng nông sản không phải ngoại lệ. Bằng cách áp dụng IoT trong xử lý sau thu hoạch, các kho nông sản sẽ được quản lý trên cơ sở dữ liệu thời gian thực với hàng hóa, thiết bị vận hành cũng như đồng bộ với toàn bộ chuỗi cung ứng góp phần tăng năng suất vận hành và giảm thiểu chi phí.
Mục Lục Bài Viết
IoT và những thay đổi trong hoạt động kho
Trong các hệ thống kho hàng thông minh (smart warehouse), IoT cung cấp dữ liệu thời gian thực về tình trạng kho để các chuyên viên có thể phân tích và sử dụng chúng trong vận hành tối ưu hóa, hợp lý hóa và cải thiện độ chính xác dự báo hàng hóa.
Một hệ thống IoT bao gồm cảm biến để theo dõi và đo lường hoạt động cũng như tình trạng hàng hóa, nền tảng IoT để thu thập và xử lý dữ liệu thông qua các giao thức và cấu trúc mạng trước khi đi ra tầng ứng dụng như các báo cáo, bộ xử lý tự động hóa của thiết bị.
IoT phục vụ bản chất cơ bản của quản lý kho là quản lý chi tiết. Ngày nay, tính chính xác trong từng chi tiết của quản lý hàng tồn kho rất được lưu tâm. Với sự phát triển của các kênh bán hàng trực tuyến theo mô hình B2C (business to consumer), người tiêu dùng cần thông tin chính xác liên quan đến tình trạng và tính sẵn có của các mặt hàng. Điều này có tầm quan trọng chiến lược với các hệ thống kho hàng trong tương lai khi không chỉ để chứa hàng mà đáp ứng kịp thời với nhu cầu hàng hóa ở những cấp độ khác nhau.
Chất lượng nông sản được quản lý số hóa, bằng thời gian thực
Phần lớn nông sản đến với người tiêu dùng thông qua việc lưu kho hàng tháng trời. Do đó việc giữ được chất lượng nông sản sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và lãng phí. Các điều kiện quản trị kho bãi do đó có mục đích đảm bảo chất lượng nông sản ở mức cao nhất. Khi các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2 có thể đo lường trong môi trường bảo quản, nhà sản xuất có thể hành động kịp thời; đặc biệt với hàng nông sản – loại hàng dễ hư hỏng và chứa đựng rủi ro cao. Các hệ thống cảm biến (sensor) được tích hợp sẽ quản lý các yếu tố này. Chọn cảm biến nào sẽ phụ thuộc vào loại thông tin bạn thu thập và mục đích mà giải pháp hướng tới, ví dụ kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc truy xuất nguồn gốc. Chất lượng cảm biến có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm – quy định dữ liệu có chính xác không và khả năng cập nhật thời gian thực (real-time) trên các hệ thống bảng điều khiển (dashboard).
Áp dụng tự động hóa vào các hoạt động xếp dỡ, quản lý hàng
Autonomous guided vehicle (AGV) hay còn gọi xe tự lái đang được sử dụng ở các hệ thống kho lớn như Amazon với 45,000 thiết bị nhưng trong tương lai, thậm chí các doanh nghiệp nhỏ cũng sử dụng hệ thống này, thay vì xe nâng truyền thống. AGV hỗ trợ nâng cao vận hành kho bãi bao gồm tăng năng suất và độ an toàn trong hoạt động vận chuyển và xếp dỡ, điều quan trọng trong xử lý hàng nhanh hư hỏng như nông sản. Các xe này hoạt động với tốc độ ổn định, tiết kiệm thời gian xử lý hàng, bên cạnh việc có thể hoạt động với cường độ cao (có thể chạy 24/7 khi cần). Hiện nay, nhiều thiết bị được lập trình như những “trợ lý ảo” có thể hiểu ngôn ngữ con người và phát hiện những vấn đề trong hoạt động để cung cấp phản hồi cho nhân viên, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Theo Grand Vew Research, thị trường toàn cầu cho xe AGV dự kiến tăng 15.8% từ năm 2019 đến 2025. Còn theo Cyzerg, việc đầu tư vào AGV cho các hệ thống kho hiện nay có thể thực hiện trong 3-5 năm nữa; khi công nghệ này trở nên được ưa chuộng và cạnh tranh hơn. Việc này sẽ giúp nhà quản lý giảm đi đáng kể chi phí thuê nhân công, đồng thời tạo những cuộc cách mạng nhất định trong thị trường việc làm tại kho. Ngoài ra, drone (thiết bị bay không người lái) cũng là một thành tựu đáng chú ý trong những năm tới, khi thiết bị này có thể hỗ trợ trong việc sắp xếp và kiểm đếm tồn kho một cách nhanh chóng.
Đồng bộ với chuỗi cung ứng
Trong tương lai, vận hành kho hàng được kỳ vọng đồng bộ hóa mạnh mẽ với các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng. Một hệ thống quản lý đồng bộ (end-to-end) sẽ giúp đảm bảo chất lượng từ vùng trồng đến các kênh tiêu thụ, qua đó giúp nông sản tăng thêm giá trị đầu ra, bên cạnh việc giúp nhà quản lý có cái nhìn toàn diện về chuỗi cung ứng. Tích hợp với công nghệ như RFID để kết nối với điện toán đám mây và chia sẻ dữ liệu, các hệ thống quản lý kho hàng (Warehouse Management System – WMS) có cơ sở xử lý hàng khi hàng thậm chí chưa đến kho, quyết định hàng được phân loại thế nào, bổ sung tồn kho (replenishment) hay cross-docking cũng như rút ngắn thời gian xử lý các hoạt động giao nhận với phương tiện như kiểm đếm, xếp hàng. Luồng thông tin ở đây đóng vai trò quan trọng đặc biệt với khách hàng qua các kênh thương mại điện tử khi các thẻ RFID sẽ hỗ trợ theo dõi đơn hàng từ khi xuất kho.
Với xu hướng phát triển thành các trung tâm phân phối trong tương lai, các kho hàng sẽ không đơn thuần chỉ là nơi xử lý hàng mà có vai trò điều tiết phân phối, quyết định luồng hàng trì hoãn hay đẩy nhanh. Với thông tin hàng hóa cập nhật liên tục qua các hệ thống IoT, việc phân tích dữ liệu là cơ sở để các kênh thị trường quyết định nhập hàng hay không.
Nền tảng quản lý kho hàng của công ty Smartlog (Việt Nam), một doanh nghiệp tiên phong về cung cấp giải pháp logistics trên nền tảng số.
Lời kết
Hoạt động kho hàng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng nông sản. Một hệ thống IoT vận hành tốt sẽ tạo ra những dashboard kịp thời với chức năng phân tích và hỗ trợ đưa ra giải pháp trong vận hành, chiến lược. Các hoạt động của kho hàng sẽ được quản lý từ xa và giảm đi những chi phí dành cho nguồn lực vận hành.
Hiện nay ở Việt Nam, việc áp dụng các thiết bị IoT trong hệ thống kho hàng nói chung và kho nông sản nói riêng còn hạn chế do giá thành cao và năng lực ứng dụng của các doanh nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, phần lớn các thiết bị IoT là nhập khẩu từ nước ngoài, chưa được việt hóa để phổ biến rộng rãi đòi hỏi các nhà cung cấp trong nước cần nỗ lực nghiên cứu và phát triển, đưa công nghệ này rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.