Lúc chúng tôi đến nơi cũng là lúc mặt trời đã xuống núi. May mắn thay, hôm đấy là sinh nhật của bác gái nên bác Minh ở nhà tổ chức sinh nhật, mà không lên Hà Nội tham dự tổ chức họp mặt thường niên với CSIP (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng Đồng). Bữa tối thịnh soạn với những món đặc sản miền núi như thịt cuốn lá mắc mật, rượu ngô, canh rau dền núi, món khoái khẩu nhất là canh gà lá ngót. Tôi cùng bác gái bật đèn pin đi ngắt lá ngót trong vườn rau trước sân. Lá ngót to và xanh mơn mởn – tôi chưa thấy rau ngót ở đâu mà đẹp hơn ở đây. Và dĩ nhiên tô canh ấy hết veo chỉ trong vài nốt nhạc.
Bác Bàn Văn Minh và bác gái Trần Thị Bê thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Xuất khẩu & Chế biến Nông sản Minh Bê tại phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn vào năm 2011. Tuy vậy, hai bác đã gắn kết với mảnh đất và bà con nơi đây từ lâu hơn thế rất nhiều. “Kể tôi không có bằng cấp gì cả, nhưng gắn liền với nông dân từ đó đến nay cũng được chục năm. Tôi cung cấp giống và hỗ trợ vay vốn cho bà con quanh đây,” bác Minh tâm sự.
Mục Lục Bài Viết
Đá nhiều đất ít
Bác Bê là một người con gái tần tảo của vựa lúa Thái Bình, còn bác Minh là một người con trai bản Dao trung dũng của Tân Sơn. Ở xã Tân Sơn, đá nhiều đất ít. Vào mùa khô, đất khô nỏ đến cây ngô cũng khó sinh sôi. Tại đây, hai vợ chồng bác đã thử xoay sở bằng nhiều cách, trồng chuối, trồng ngô, …, mà kinh tế vẫn khó khăn.
Vào năm 1991, hai bác trồng thử gừng. Gừng hợp đất, phát triển tốt. Lứa gừng đầu tiên với số lượng ít ỏi nhanh chóng được tiêu thụ sạch tại thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn). Dần dần, hai bác vận động bà con xung quanh cùng trồng. Bà con cần tới đâu thì hai bác cố gắng đứng ra đáp ứng tới đó, từ hỗ trợ vốn, giống, vật tư cho bà con sản xuất, tới bao tiêu đầu ra. Vào năm 2011, Doanh nghiệp Minh Bê chính thức được ra đời.
Người Tây khôn lắm!
Năm 2012, thông qua Dự án 3PAD (Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp), Doanh nghiệp của bác Minh đã được đầu tư 3,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đến từ IFAD (Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc) và APIF (Quỹ Xúc tiến Đầu tư Nông lâm nghiệp).
“Người Tây khôn lắm,” bác Minh cười. “Họ tính trước mình nhiều bước. Doanh nghiệp phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, là đầu tàu kinh tế, thì họ mới đầu tư. Tôi hướng dẫn bà con cách trồng, cách thu hoạch, rồi bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trước đây trồng ngô, lúa chỉ đủ ăn, khỏi đói, thì từ khi đưa cây gừng lên trồng, bà con mới dần thoát nghèo được.”
32% tổng vốn nhận được, doanh nghiệp sẽ dùng mà hỗ trợ cho bà con nông dân nghèo khó. 68% còn lại thì doanh nghiệp dùng để tái đầu tư vào nhà xưởng, sân phơi, hệ thống máy móc thiết bị. “Trước kia hỗ trợ người nghèo thì cho tiền, nhưng rồi dân nghèo dùng tiền đó mua rượu uống cũng hết, nghèo vẫn hoàn nghèo,” bác Bê kể. Nay, bà con được vay vốn, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, rồi được đảm bảo đầu ra, nhờ những mối quan hệ mà Doanh nghiệp Minh Bê đã gầy dựng với các thương lái ở Hà Nội và Công ty Xuất khẩu Hải Dương. Những ngôi nhà mới mọc lấp ló trên đỉnh đồi là thành quả của những nỗ lực suốt hơn 20 năm của người dân nơi này.
Tham quan nhà xưởng và vùng trồng gừng
Sáng hôm sau, bác Minh đưa chúng tôi đi tham quan nhà xưởng và vùng trồng gừng. Vào khu phân loại, có hai cô nhân công đang ngồi tách mầm gừng ra và phân loại. Mầm gừng thì đem về miền xuôi bán cũng khá được tiền, 70.000 – 80.000 VND/kg. Bác Minh kể vùng này gừng không đủ số lượng để vận chuyển cho một cuốc xe, phải chờ mua ở vùng khác đến, rồi đi chung. Gừng thích mọc mầm, nên phải tách mầm ra thì mới bảo quản được lâu. Những bọc gừng 50kg đã qua xử lý như vậy được xếp thẳng tắp giữa gian nhà, sẵn sàng chờ xuất xưởng.
Lúc vào mùa, hàng dồn dập về, nếu không kịp bán thì bác sẽ cho đem đi sấy để kéo dài vòng đời cho sản phẩm. Bác Minh hào hứng chỉ cho chúng tôi khu vực máy sấy gừng khí sạch. Bác đã đầu tư 300 triệu đồng và thuê kỹ sư ở tận Hà Nội lên để thiết kế thi công. Tuy nhiên, vào những mùa không có gừng, chiếc máy này chẳng được ai được sử dụng. Chỉ nghe cách bác kể về chiếc máy sấy, chiếc xe chở hàng, chúng tôi cũng thấy được rằng bác đã trăn trở, tìm tòi rất nhiều để tăng giá trị cho thành quả của người dân quanh đây.
Được gặp bác, được cảm tấm lòng bác dành cho cây gừng, chúng tôi mới hiểu tại sao người dân nơi đây “có bảo với họ là không có chỗ để chứa nữa rồi, đưa đi chỗ khác cân, nhưng họ có chịu đâu”. Họ vẫn chọn bán cho xưởng gừng nhà bác. Lòng tin được bồi đắp qua bao năm gắn bó giữa hai bác và bà con là cơ sở để những khoản vay vốn, vay giống được thông qua, mà không cần bất kỳ giấy tờ thế chấp nào.
Hơn nữa, tính pháp lý và sự nhanh nhạy của doanh nghiệp Minh Bê là cơ sở để những đối tác khác của chuỗi giá trị, từ đơn vị xuất khẩu đến các tổ chức phi chính phủ, sẵn sàng bắt tay để ký hợp đồng đầu tư.
Thị trường gia vị ngày nay càng nhộn nhịp hơn xưa. Ngoài những đất nước sản xuất chính như Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ, trong những năm gần đây, các đảo quốc ở vùng biển Caribe, cũng như Brazil và Peru, đang tăng cường quảng bá sản phẩm gừng hữu cơ để xuất khẩu vào Mỹ. Các nước nhỏ như Nepal, Indonesia, cũng đang tìm đường xuất khẩu vào châu Âu và Liên bang Nga, đặc biệt là thông qua Hà Lan, vốn là một cửa ngõ quan trọng cho nhiều mặt hàng nông sản.
Để những hộ nông dân nhỏ lẻ cũng có thể tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp xuyên quốc gia này, những doanh nghiệp như của hai vợ chồng bác Minh, bác Bê là một cầu nối vô cùng quan trọng.
Doanh nghiệp Minh Bê là một ví dụ điển hình cho thành công của một chuỗi giá trị nông sản có sự chung tay của cả người nông dân, người thương lái và các tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước. Mô hình này, còn được biết đến với tên gọi mô hình tài chính vi mô thông qua doanh nghiệp, sẽ được phân tích cụ thể hơn trong bài viết tiếp theo của Green Edu. Mong các bạn đón xem!
Bài viết được tổng hợp từ cuộc phỏng vấn tại Doanh nghiệp Minh Bê vào tháng 5/2019, và các nguồn tham khảo sau:
- Âu Vượng (2014). Báo Nông nghiệp Việt Nam: Vị ngọt của gừng. nongnghiep.vn.
- Hurri, S., Nguyen, Q., Hernández, E. (2019). Những cải tiến về tài chính và đầu tư mở rộng trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Những chiến lược sáng tạo về quản lý rủi ro trong tài chính nông nghiệp và nông thôn (pp. 31-56). Nhà xuất bản Nông nghiệp. http://www.fao.org
- Tuấn Sơn (2018). Báo Bắc Kạn: Thơm hương cây gừng vùng cao. baobackan.org.vn.
- YES BANK and IDH (2018) Business Case for Spices Production & Processing in Meghalaya, Mizoram, Nagaland and Uttarakhand.