Chúng mình rời Tây Ninh nắng cháy để về với núi rừng miền Bắc ngút ngàn. Khởi hành từ Sài Gòn đến Hải Phòng – vùng đất rực màu phượng đỏ để tham dự lễ khởi công nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood. Trở về Hà Nội, 12 chú dế mèn lại tiếp tục xách balo lên và rong ruổi trên những cung đường đi qua các tỉnh thành: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang,Phú Thọ, Bắc Ninh.
Đến mỗi nơi, hít hà không khí núi rừng phía Bắc và lắng nghe những câu chuyện của người nông dân, của những cô bác thương lái, thấy tim mình dài rộng ra biết bao nhiêu và đầy ự những trải nghiệm, những rung động với con người, với thiên nhiên và với đất nước mình.
Đi để thấy thêm nhiều điều rộng mở vượt ra ngoài những con chữ và nghiên cứu trong sách vở. Thấy Tự nhiên ưu ái những vùng đất mình đi qua quá, để mà từ đấy, cây xanh bạt ngàn, trái cây ngọt lành, cây thuốc phủ xanh những đồi trọc. Thấy người nông dân bền bỉ, gắn bó với đất với vườn và không ngừng vươn lên với ý chí làm giàu cho mình và cho cả cộng đồng xung quanh. Đi để gom góp những câu chuyện về cách làm nông, cách vận hành một chuỗi giá trị trong nông nghiệp bền vững.
Mục Lục Bài Viết
BÀI TOÁN DOANH NGHIỆP – NGƯỜI DÂN, AI BƯỚC TRƯỚC?
Những ngày đầu tiên, chúng tôi viếng thăm vùng trồng dược liệu tại khu vực tỉnh Thái Nguyên sau khi vượt chặng đường dài, rời xa thành thị. Tại đây, đoàn lại tiếp tục được gặp gỡ với một gương mặt trẻ hiện đang tạo sinh kế cho nhiều hộ dân tại khu vực bằng việc thúc đẩy trồng dược liệu vốn là nguyên liệu sẵn có ở vùng đất này.
Chỉ vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng anh An* cởi mở chia sẻ nhiều khó khăn mà anh và doanh nghiệp phải đối mặt và hướng giải quyết thiết thực mà doanh nghiệp của anh đang áp dụng rất hữu hiệu cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Một trong những chia sẻ đắt giá nhất về câu hỏi “Mở doanh nghiệp thu mua trước, hay đợi người dân tạo vùng trồng nguyên liệu trước?” của anh An đó là: “Doanh nghiệp phải bước trước, tạo vùng trồng mẫu cho người dân thấy được minh chứng hữu hình của giá trị cây trồng, ta không nói suông. Sau đó bắt đầu cho dân mượn giống, hướng dẫn kĩ thuật, đảm bảo đầu ra cho dân”.
Với quy mô nhỏ, hiện anh đang tạo sinh kế cho hơn 10 hộ dân trong địa bàn sinh sống của mình. Đoàn Cám ơn anh An đã đón tiếp nhóm thật nồng hậu, cởi mở.
GẶP GỠ MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP LIÊN KẾT SẢN XUẤT VỚI NÔNG DÂN
Đối với người nông dân, để làm ra sản phẩm nông sản đã vất vả nhưng đến khâu tiêu thụ cũng lại “long đong”. Việc tạo ra mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa giữa doanh nghiệp và người nông dân là cần thiết, điều này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa bền vững.
Vào ngày thứ 2 của hành trình, nhóm chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ bác Bàn Văn Minh (Giám đốc DNTN xuất khẩu và chế biến nông sản Minh Bê) tại thôn Thác Giềng, Xuất Hóa, Bắc Kạn.
Hai vợ chồng bác Minh Bê đã có hơn 20 năm gắn bó với cây gừng. Nhận thấy được tiềm năng kinh tế của cây gừng, hai bác tạo vùng trồng, kết nối với thương lái, mở rộng diện tích, vận động hàng xóm cùng trồng, đứng ra cung ứng giống cho bà con, với hình thức cho vay gừng giống đến khi thu hoạch trả. Đến nay, doanh nghiệp Minh Bê mỗi năm tiêu thụ cho người dân hàng nghìn tấn gừng, tạo sinh kế ổn định cho 650 hộ dân (năm 2015).
Những mô hình liên kết sản xuất như gia đình bác Minh Bê là câu trả lời cho bài toán đầu ra nông sản cho nông dân.
Hành trình của chúng mình bắt đầu từ bước đi đầu tiên bước ra khỏi vùng an toàn của mỗi người, và kết thúc bằng một túi đầy những câu chuyện cùng tiếng cười và hiểu hơn về cộng đồng mình.
Mọi khó khăn của chuyến đi được cất gói ghém lại, chúng mình sẽ chỉ còn nhớ về màu xanh của núi rừng, vườn thuốc, vườn gừng, nhớ về những bữa cơm hiếu khách và chỗ ngủ ấm của các bác cho nhờ, nhớ về những lúc thương nhau thay nhau đổi xế, nhớ về những cung đường lạc lối trong rừng và chiếc xe máy cày chở 4 chị em xuống dốc giòn tan tiếng cười.
Những chú dế mèn sẽ tiếp tục đi, trải nghiệm và học thêm nhiều điều mới hơn nữa trên hành trình tìm về với cội nguồn của thế mạnh nước nhà, đấy là nông nghiệp.”