Với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế thế giới, nhiều thách thức được đặt ra với nhân loại, như: biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước, bất bình đẳng và đói nghèo. Chính vì thế đặt mục tiêu và nguyên tắc phát triển bền vững chính là cách thức giải quyết vấn nạn toàn cầu.
Mục Lục Bài Viết
Phát triển bền vững là gì?
Khái niệm phát triển bền vững đã được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 bởi Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED – World Commission on Environment and Development). Và tổ chức đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào quá trình phát triển bền vững:
- Đầu tiên, WCED đã đề ra trách nhiệm của thế hệ hiện tại là phải đảm bảo những cơ hội và các lựa chọn phát triển của các thế hệ tương lai thông qua cách thức bảo vệ môi trường cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Kế tiếp, WCED đã đặt ra mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển như là một trục chính và các nước cần phải vượt qua.
- Cuối cùng WCED đúc kết lại, việc theo đuổi phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế thông qua việc nhận ra rằng chúng ta cần phải sắp xếp lại mô hình thương mại quốc tế và dòng vốn. Đồng thời, phải đảm bảo được các nước đang phát triển sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn trong các quan hệ kinh tế đó.
Quan niệm về phát triển bền vững ngày càng được hình thành trong thực tiễn đời sống xã hội và bắt đầu có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc: Nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội.
Năm 1992 tại Rio de Janeiro, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức đã đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI. Theo đó, phát triển bền vững được xác định rằng: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ trong tương lai”.
Các nguyên tắc quan trọng cho sự phát triển bền vững
- Phát triển bền vững kinh tế
Đây là quá trình mà các quốc gia đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và đều đặn. Đảm bảo tính ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, nợ chính phủ. Đảm bảo cân đối cán cân thương mại, việc đầu tư có chất lượng và năng suất cao. Thông qua việc nâng cao chất lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất nhưng không làm hại đến xã hội và môi trường.
- Phát triển bền vững xã hội
Đây là việc phát triển nhằm đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Xóa đói và giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cũng như tăng thu nhập cho người lao động. Đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, nhưng không làm hại đến kinh tế và môi trường.
- Phát triển bền vững môi trường
Thông qua việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và duy trì một nền tảng nguồn lực ổn định. Tránh khai thác quá mức làm cạn kiệt các hệ thống nguồn lực tái sinh. Cần duy trì sự đa dạng trong sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác. Cần hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường bao gồm cả ở đô thị và khu công nghiệp. Cần phải quản lý và xử lý tốt chất thải rắn và chất thải nguy hại, có khả năng ngăn ngừa. Và giảm thiểu các tác động đến từ biến đổi khí hậu và thiên tai.
8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam
Việt Nam ban hành chiến lược phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả. Phát triển bền vững đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam bao gồm:
- Con người chính là trung tâm của phát triển bền vững
- Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, được kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội, với khai thác hợp lý. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên theo nguyên tắc “mọi mặt”: Kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi.
- Bảo vệ và cải thiện môi trường được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Phải biết áp dụng đồng bộ các công cụ pháp lý và kinh tế, kết hợp được với tuyên truyền vận động.
- Phát triển bền vững phải đảm bảo đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai.
- Khoa học và công nghệ chính là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững đất nước.
- Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, của các cấp chính quyền, cán bộ, ngành và địa phương, của cơ quan và doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.
- Gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường cùng với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam gồm:
- Các chỉ tiêu tổng hợp như: GDP xanh, chỉ số phát triển con người và chỉ số bền vững môi trường.
- Chỉ tiêu về kinh tế: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để có thể sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai…
- Chỉ tiêu về mặt xã hội: Tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã được đào tạo, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, tỷ số giới tính khi sinh…
- Chỉ tiêu tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá…
Trên đây là một số thông tin về nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam. Green Edu hy vọng rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn. Đồng thời mong muốn mỗi người hãy chung tay cùng cộng đồng để thực hiện các nguyên tắc này vì một Việt Nam tươi đẹp hơn.